Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa (C/O) ưu đãi trị giá hơn 100 tỉ USD, tăng 18% về số lượng C/O so với năm 2023, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại, nhiều mặt hàng được hưởng thuế nhập khẩu tại một số thị trường là 0%.
Lợi thế từ CPTPP giảm dần
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, nhấn mạnh việc tận dụng ưu đãi từ các FTA là một trong những cách giúp doanh nghiệp (DN) duy trì tăng trưởng xuất khẩu trước diễn biến thương mại toàn cầu rất khó dự báo.
Có đơn hàng đến hết quý II/2025 song lãnh đạo Tổng Công ty May 10 cũng lo lắng khi khách hàng châu Âu yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa rất khắt khe. Đó là đối với bất cứ sản phẩm nào xuất khẩu vào thị trường này, tỉ trọng sợi tái chế sản xuất ra vải và tỉ trọng vải sản xuất ra quần áo đều phải đạt 35%. Điều này đặt ra thách thức cho DN trong việc phải chuyển đổi nhanh trong năm nay, nếu không, hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
"Để tận dụng tốt các FTA, chúng tôi đang đầu tư lớn vào xây dựng nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh, chuyển đổi một cách nhanh, mạnh sang sử dụng nguồn năng lượng sạch" - lãnh đạo Tổng Công ty May 10 cho hay.

Doanh nghiệp cần tận dụng tốt hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn
Khi đánh giá kết quả 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thương vụ Việt Nam tại Canada từng nhận định tỉ lệ tận dụng ưu đãi của DN Việt vẫn còn rất thấp. Trong khi đó, lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam đang dần mất đi.
Giải thích điều này, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết Canada đã ký kết và đang đẩy mạnh ký kết thêm các FTA với một loạt đối tác ở Nam Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (như Philippines, Ấn Độ, Indonesia) và khu vực ASEAN. Đây đều là những thị trường có cơ cấu hàng hóa khá tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó, Canada cũng kêu gọi các DN của mình hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đáng tin cậy. Xu hướng này có thể tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như trái cây, thủy sản, dệt may, da giày...
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin thời gian tới sẽ giúp các DN hai bên hiểu rõ hơn về nội dung cam kết và cách thức tận dụng CPTPP trong chiến lược đầu tư - kinh doanh. Đồng thời, quảng bá các lĩnh vực, mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, cũng như các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, nền tảng mà chúng ta muốn thu hút.
Thương vụ Việt Nam tại Canada cũng sẽ tiếp tục chú trọng thúc đẩy tính kết nối giữa hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải hàng hải và hàng không để giúp giảm chi phí, thời gian đưa hàng Việt vào thị trường này.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU), đánh giá triển vọng chung của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này năm 2025 là tương đối khả quan. Bước vào năm thứ 5 thực thi EVFTA, dự kiến sẽ có khoảng 90% mặt hàng nhập khẩu có thuế quan về 0%.
Tuy nhiên, thách thức khi tiếp cận thị trường EU cũng không hề nhỏ. Khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ thị trường nội địa, EU có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ hoặc thúc đẩy các tiêu chuẩn cao, bền vững, đòi hỏi nhà sản xuất phải có công nghệ và nguồn vốn dồi dào.
Bên cạnh đó, EU đang là thị trường mục tiêu của rất nhiều nước và mỗi nước đều có cách tiếp cận riêng - như đẩy mạnh đàm phán FTA, tăng cường hiện diện thương mại của các công ty xuất khẩu tại EU, thúc đẩy thương mại điện tử...
Tham tán Trần Ngọc Quân lưu ý cần phải xử lý một số vấn đề, chẳng hạn chống truyền tải hàng hóa qua Việt Nam để tiếp cận thị trường EU nhằm hưởng lợi từ EVFTA hoặc lẩn tránh thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, an toàn vệ sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với một số nông sản. "Để đưa được nhiều rau quả và gạo hơn vào các siêu thị ở EU, đầu tiên, DN trong nước phải sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng được tiêu thụ nhiều tại đây. Sau đó là có biện pháp bảo quản hàng hóa tốt hơn và nhất là phải hạ được giá thành" - ông Quân lưu ý.
Về phía Bộ Công Thương, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhấn mạnh quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng có thể vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ. Vì vậy, cục sẽ hướng dẫn DN thực hiện đúng cam kết quốc tế và quy định của Việt Nam liên quan xuất xứ hàng hóa. Bản thân DN cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để bảo đảm việc xác minh xuất xứ hiệu quả, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Sẽ đàm phán thêm nhiều FTA
Năm 2024, Việt Nam đã đưa FTA Việt Nam - Israel vào thực thi, đồng thời ký FTA Việt Nam - UAE, qua đó tạo điều kiện đưa hàng Việt vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi...
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, thông tin bộ sẽ nghiên cứu để khởi động đàm phán thêm nhiều FTA khác với các thị trường ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin - còn rất nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
Cũng đánh giá tiềm năng từ thị trường Trung Đông rất lớn, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hơn đến việc đàm phán FTA với các thị trường ngách, các nước chưa phát triển vì yêu cầu về sản phẩm của những thị trường này phù hợp với trình độ sản xuất của DN Việt Nam.