Kiến tạo không gian phát triển mới

Trong ngày cuối của kỳ họp, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua hàng loạt các quyết sách quan trọng, gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và các Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai một số dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…

Theo các đại biểu, các quyết sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.

Về pháp luật, Quốc hội đã thể hiện tư duy đổi mới theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội thể hiện tầm nhìn xa, bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước. “Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bế mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 9: Quyết sách lịch sử- Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý còn nhiều vấn đề cụ thể của thực tiễn rất khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hiến định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thông suốt, khả thi, hiệu quả, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Do đó, ông đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, nói đi đôi với làm. Các cơ quan cần khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp bộ máy cần xử lý ngay, có tính chất đặc thù, mà không thể xử lý theo nguyên tắc chung để ban hành theo thẩm quyền.

Gỡ điểm nghẽn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số

Trả lời câu hỏi của báo chí về cơ chế chính sách đặc thù đối với các dự án lớn, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các chính sách được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, kiến tạo sự phát triển mới cho các địa phương. Dẫn Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, bà Yến khẳng định, các quy định trong nghị quyết sẽ tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư thực hiện các dự án.

“Các dự án đường sắt đô thị được đầu tư xây dựng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế của hai địa phương, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên của cả nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo”, bà Yến nhấn mạnh.

“Các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Về cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Thủ tướng được quyền giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Chính phủ được áp dụng chỉ định thầu hợp đồng chìa khóa trao tay khi xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Việc chỉ định thầu được áp dụng quy trình rút gọn với các gói tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi..., cũng như tư vấn chủ đầu tư đàm phán, ký, quản lý hợp đồng chìa khóa trao tay và giám sát thi công.

Trao đổi với báo chí về việc Nghị quyết không nêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 như dự thảo ban đầu, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Do đó, việc giao EVN, PVN thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Cán bộ cấp trưởng tự nguyện xuống cấp phó

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Quốc hội có nhiều cán bộ từ cấp trưởng, xuống làm cấp phó; vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp, vận động như thế nào để tạo được sự đồng thuận? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nói, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy là “cuộc cách mạng” nên trong quá trình thực hiện, đòi hỏi phải có sự hi sinh.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Quốc hội thông qua

Chỉ tiêu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Giải pháp: Bổ sung khoảng 84.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP…


Theo bà Yên, khi thực hiện các yêu cầu của Đảng về “cách mạng tổ chức bộ máy”, một số chức danh cũng xác định tinh thần là “đảng viên và chấp nhận sự hi sinh” cho sự phát triển chung của đất nước. “Chính vì thế, các cán bộ đó tự nguyện và xác định tư tưởng về việc từ cấp trưởng xuống làm cấp phó nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải vận động, thuyết phục”, bà Yên cho hay.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, sắp xếp tinh gọn bộ máy là việc cần phải làm và Quốc hội xác định phải là cơ quan đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy. Theo ông Tùng, đến nay, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp tinh gọn bộ máy đang giải quyết khá hiệu quả. Việc tác động đến chức năng, nhiệm vụ rất ít.

Ông Tùng khẳng định, việc sắp xếp trước tiên sẽ tập trung tối ưu hóa theo các chức năng, nhiệm vụ, công việc, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, sau đó mới tính đến các yếu tố khác.

Các quyết sách được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng phục vụ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.