Quốc hội trao cho Hà Nội, TP HCM hàng loạt cơ chế đột phá để phát triển metro

Vừa được trao 'bảo kiếm', 2 TP lớn nhất Việt Nam tương lai sẽ có trong tay 'mỏ vàng' hàng trăm tỷ USD?- Ảnh 1.

Toàn cảnh kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 19/12. Ảnh: QH

Sáng ngày 19/02, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM.

Với 11 điều và 01 phụ lục, trọng tâm là 06 nhóm chính sách, Nghị quyết mang tính đột phá, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tài chính và thủ tục đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để hai đô thị lớn nhất cả nước phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ và bền vững.

Cụ thể trong Nghị quyết nêu sáu nhóm chính sách đột phá gồm: Huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư; Trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (Phát triển Đô thị Định hướng Giao thông Công cộng); Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; Các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.

Việc ban hành Nghị quyết thí điểm sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phố trong thời gian qua, để thực hiện thành công mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP HCM vào năm 2035...

Ngoài ra, Nghị quyết được ban hành, Hà Nội và TP HCM kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông xanh, bền vững, giảm ùn tắc, cải thiện chất lượng sống cho người dân, là động lực phát triển đô thị thông minh và và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Vì sao TP Hà Nội và TP HCM được trao 'bảo kiếm' để phát triển Metro?

Vừa được trao 'bảo kiếm', 2 TP lớn nhất Việt Nam tương lai sẽ có trong tay 'mỏ vàng' hàng trăm tỷ USD?- Ảnh 2.

Tuyến metro Nhổn, ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam được vận hành từ năm 2021.Ảnh: MRB

Theo nhìn nhận của Bộ Giao thông Vận tải, một trong những vấn đề trở ngại lớn nhất hiện nay về phát triển metro ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam được cho là việc bố trí và huy động nguồn lực chưa đạt mức cần thiết. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011–2020, tổng số vốn huy động được chỉ đạt khoảng 56.132 tỷ đồng, tương đương với 18,9% nhu cầu vốn theo quy hoạch, trong đó Hà Nội đạt 24,2% và TP.HCM chỉ đạt 14,1%.

Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ĐSĐT được xem là một trong những rào cản lớn. Do các dự án thuộc diện quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư từ trên 10.000 tỷ đồng đến hơn 30.000 tỷ đồng, thủ tục phê duyệt thường kéo dài từ 2 đến hơn 3 năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai dự án...

Việc giải phóng mặt bằng chậm cũng được coi là những lý do quan trọng khiến gần 20 năm qua, cả hai Tp lớn này mới chỉ đưa được 3 tuyến metro với vài chục km vào hoạt động.

Trong khi đó, hai đô thị lớn nhất Việt Nam có mật độ dân số lớn dẫn tới áp lực giao thông cao, thường xuyên ùn tắc giao thông nên việc cần ưu tiên phát triển hệ thống metro nhanh chóng và cấp thiết.

Để thay đổi, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, trong Nghị quyết Quốc hội vừa phê duyệt, đã trao cho hai thành phố lớn những cơ chế đột phá chưa từng có trong lịch sử.

Để hiện thực hóa khát vọng lớn chưa từng có, hai TP lớn đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ đưa vào khai thác 17 tuyến, đoạn tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài khoảng 752 km, đảm nhận 35-50% thị phần vận tải hành khách công cộng.

Đến năm 2045, sẽ có thêm 7 tuyến, 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 355 km, nâng tỷ lệ thị phần lên 50-60%.

Và dự kiến sau khi hoàn thành, đến năm 2035 mạng lưới ĐSĐT tại hai thành phố với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, an toàn và thuận tiện, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển trong nội đô giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, khu vực ngoại thành; góp phần giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông nội đô, phân bổ lại dân cư, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực ngoại thành; tạo không gian phát triển kinh tế mới.

Hà Nội và TP HCM đứng trước cơ hội có trong tay 'mỏ vàng' hàng trăm tỷ USD

Vừa được trao 'bảo kiếm', 2 TP lớn nhất Việt Nam tương lai sẽ có trong tay 'mỏ vàng' hàng trăm tỷ USD?- Ảnh 3.

Mục tiêu ở Tp Hà Nội và Tp HCM trong 10 năm tới sẽ hoàn thiện thêm 17 tuyến metro với chiều dài khoảng 752 km. Ảnh minh họa bởi ứng dụng AI

Trong bản đánh giá của Bộ GTVT kèm theo Dự thảo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua có một vài con số được đưa ra dựa trên những tính toán thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ các nước có hệ thống metro phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Châu âu cho thấy khu vực trung tâm nội đô có mật độ phát triển cao như ở TP HCM có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, mua sắm, vui chơi giải trí và sự kiện; dự kiến năm 2030, TP này sẽ đón khoảng 62-63 triệu lượt khách.

Vì vậy, theo tính toán của Bộ GTVT, việc đầu tư các tuyến ĐSĐT tại Hà Nội và TP. HCM không chỉ giúp cải thiện hạ tầng giao thông mà còn mang lại lợi ích kinh tế hàng trăm tỷ USD trong tương lai.

Ước tính, với tổng mức đầu tư khoảng 91 tỷ USD và trong tương lai xa hơn là hàng trăm tỷ USD, các tuyến đường sắt sẽ tạo ra cú hích lớn cho ngành xây dựng, cung cấp thiết bị, lao động và nhiều lĩnh vực liên quan. Trong quá trình thi công, ngành xây dựng hưởng lợi khoảng 55-65 tỷ USD, trong khi việc cung cấp thiết bị và công nghệ mang lại thêm 18-27 tỷ USD, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đặc biệt, lao động trong ngành giao thông và cơ khí cũng được hưởng lợi với tổng thu nhập ước tính 10-15 tỷ USD từ việc làm trong giai đoạn xây dựng và vận hành.

Khi đi vào hoạt động, hệ thống metro sẽ mang lại doanh thu trực tiếp từ vé lên đến 1-2 tỷ USD/năm, đồng thời đóng góp 3-5 tỷ USD/năm nhờ tiết kiệm chi phí giao thông và 10-20 tỷ USD từ sự gia tăng giá trị bất động sản cũng như phát triển thương mại quanh các tuyến metro.

Tổng cộng, hệ thống đường sắt đô thị có thể đóng góp từ 15-40 tỷ USD/năm vào nền kinh tế, giúp hai TP lớn có 'mỏ vàng' hàng trăm tỷ USD trong dài hạn, thúc đẩy đô thị hóa bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Thiên Sơn