Vào cuối tháng 6/2024, dự án tuyến đường bộ ven biển Nam Định có tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác sau gần 4 năm xây dựng. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 65 km, đi qua 3 huyện của tỉnh này gồm: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Các đoạn của tuyến đường bộ ven biển đi trùng quốc lộ 37B, quốc lộ 21 và cầu Thịnh Long được tận dụng tuyến hiện trạng, không đầu tư.
Tuyến đường bộ ven biển Nam Định được thiết kế có quy mô 4 làn xe (2 bên), vận tốc thiết 80 km/h.
Tuyến đường bộ ven biển Nam Định dài 65 km là một phần trong tuyến đường bộ ven biển dài 550 km đi qua 6 tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường bộ ven biển Nam Định được kết nối với dự án cùng tên của tỉnh Thái Bình (tại sông Hồng) và Ninh Bình (tại sông Đáy). Tuy nhiên, việc thi công những cây cầu kết nối tuyến đường bộ ven biển Nam Định với 2 tỉnh xung quanh vẫn chưa được hoàn thiện.
Chính vì tuyến đường bộ ven biển Nam Định chưa được kết nối với các tỉnh xung quanh nên lượng phương tiện qua lại của tuyến đường này tương đối thưa thớt.
Tương lai, khi tuyến đường bộ ven biển dài 550 km được hoàn thiện đồng bộ sẽ rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh - Thanh Hóa và trở thành tuyến giao thông chính ven biển để phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, lượng phương tiện qua lại của tuyến đường bộ ven biển Nam Định tương lai sẽ cao hơn khi những dự án dọc hai bên đường được hình thành. Điển hình là dự án xây dựng khu công nghiệp Hải Long (VSIP), dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 6/2025.
Khu công nghiệp Hải Long có quy mô lên đến 11 km2 được xây dựng tại huyện Giao Thủy, khi hình thành sẽ là khu công nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Nam Định. Trong ảnh là vị trí dự kiến xây dựng dựng khu công nghiệp Hải Long, nằm cạnh tuyến đường bộ ven biển Nam Định.