Sáp nhập tỉnh, thành phố: Hướng tới tăng trưởng 2 con số- Ảnh 1.

Nhiều bài học kinh nghiệm sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội

Do đó, để hiện thực được mục tiêu tăng tốc, bứt phá, đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số, việc nghiên cứu sáp nhập các tỉnh là cần thiết, nhằm mở ra các không gian và động lực phát triển mới.

Nên giảm xuống 35-38 tỉnh, thành

Tại Kết luận 126 mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư, Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo ông, đây đã phải là thời điểm thích hợp để xem xét thực hiện việc trên?

Theo tôi, đây là thời điểm phù hợp và cũng yêu cầu là tất yếu để nghiên cứu, thực hiện việc sáp nhập các tỉnh có diện tích và dân số nhỏ lại với nhau, giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, mở ra các không gian và động lực phát triển mới.

Thực tế, từ khi thống nhất đất nước đến nay, chúng ta đã nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thời kỳ sau đổi mới, cả nước chỉ có 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do hệ thống giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn, hệ thống thông tin liên lạc còn hạn chế, khó khăn cho công tác chỉ đạo điều hành, nên sau đó, Trung ương, Quốc hội quyết định thực hiện việc chia tách tỉnh. Đến năm 2007, sau nhiều lần thực hiện chia tách, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh trong cả nước tăng lên thành 64 đơn vị. Tới năm 2008, sau khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, số tỉnh, thành giảm xuống còn 63 và duy trì ổn định cho đến hiện nay.

Sáp nhập tỉnh, thành phố: Hướng tới tăng trưởng 2 con số- Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Nhìn chung, hầu hết các tỉnh sau khi được chia tách đều có sự phát phát triển. Ví dụ, tỉnh Vĩnh Phú sau khi tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ thì Vĩnh Phúc phát triển trước, còn Phú Thọ phát triển sau. Hay như Hà Bắc sau khi tách ra thành Bắc Ninh và Bắc Giang, thì giai đoạn đầu Bắc Ninh phát triển, tiếp đó tới Bắc Giang phát triển. Tương tự, Hải Hưng, khi tách ra thành tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, thời điểm ban đầu, Hải Dương phát triển và gần đây Hưng Yên phát triển theo sau.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các tỉnh sau khi chia tách, dư địa phát triển đã đến giới hạn; nguồn lực , tài nguyên cũng cạn kiệt theo, cần phải tính toán lại không gian phát triển mới theo hướng tăng tính liên kết vùng, phát huy các lợi thế và bổ trợ các điểm hạn chế cho nhau. Vì thế, việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh ở thời điểm này là phù hợp.

Có sáp nhập các tỉnh lại, chúng ta mới có thể tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án lớn mang tính kết nối. Ngược lại, nếu cứ tiếp tục duy trì các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhỏ cả về diện tích và quy mô dân số sẽ rất khó phát triển. Khi kinh tế địa phương không phát triển thì mục tiêu tăng tốc, bứt phá, đạt mức tăng trưởng hai con số từ năm 2026 trở đi rất khó đạt được. Ví dụ, tỉnh Bắc Kạn, dân số chỉ có hơn 300.000 người, cứ duy trì đơn vị hành chính như cũ thì khó mà bứt phá được. Do đó, nếu hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn lại thành một tỉnh sẽ bổ trợ cho nhau, tạo thêm các dư địa phát triển. Hay như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình nếu sáp nhập lại với nhau cũng rất tốt, giúp liên kết, khai thác thế mạnh để phát triển…

Theo ông, khi sáp nhập tỉnh nên tinh gọn lại thành bao nhiêu đơn vị thì phù hợp?

Tôi nghĩ, cả nước trở về con số từ 35 đến 38 tỉnh, thành là phù hợp. Tất nhiên không nhất thiết tỉnh nào về lại tỉnh đó như trước mà sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh, từ vị trí địa lý đến con người, dân số, phong tục tập quán…

Nhiều bài học khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội

Là người trong cuộc khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, theo ông, đâu là những khó khăn nhất khi sáp nhập tỉnh?

Khó khăn lớn nhất chính là tư tưởng và con người. Ở thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tôi đang công tác ở Hà Nội và là cán bộ trong Thường vụ Thành ủy nên cũng rút ra được nhiều bài học và kinh nghiệm.

Lúc đầu, khi xây dựng đề án hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội cũng có nhiều ý kiến băn khoăn, tâm tư về khác biệt văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí có ý kiến còn nói “tại sao Thủ đô lại có miền núi”, rồi giải quyết công tác cán bộ như thế nào, không cẩn thận lại rối loạn. Tuy nhiên, bằng quyết tâm và phương pháp thực hiện đúng, khách quan, minh bạch trong sắp xếp nhân sự, sau 16 năm thực hiện, chúng ta thấy việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội đã thành công. Từ khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, Thủ đô có thêm nguồn lực về nhân lực, nguồn lực từ đất đai để phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng đô thị, tăng tính liên kết vùng giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận. Đây là bài học lớn để các cơ quan có thêm định hướng nghiên cứu khi xây dựng đề án hợp nhất các tỉnh, thành lại với nhau.

Trao đổi với Tiền Phong , một vị quan chức Chính phủ đã nghỉ hưu nói rằng, vì đơn vị hành chính được chia quá nhỏ, dẫn đến trước đây có tình trạng: tỉnh nào cũng xin xây sân bay, cảng biển; tỉnh bên cạnh có sân bay rồi, nhưng tỉnh cách đó vài chục kilômét cũng xin được làm sân bay, rất lãng phí. Do đó, khi sáp nhập các tỉnh, thành lại với nhau sẽ hạn chế sự dàn trải trong đầu tư, để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án lớn có lan tỏa trong cả khu vực và cả vùng. “Ví dụ, nếu vẫn duy trì 3 tỉnh nhỏ, có khi phải xây 2 sân bay, nhưng nếu 3 tỉnh đó sáp nhập lại làm một thì chỉ cần làm 1 sân bay hiện đại, đáp ứng được yêu cầu cả trước mắt và tương lai là đủ, nguồn lực còn lại tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giúp kết nối đi lại thuận tiện”, vị này nói.

Bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả bởi khâu trung gian

Ngoài việc nghiên cứu sáp nhập tỉnh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn yêu cầu nghiên cứu bỏ cấp huyện, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Chúng ta đang theo mô hình tổ chức 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Theo tinh thần phân cấp, phân quyền, Trung ương đưa ra các thể chế về pháp luật, chính sách; về chỉ đạo, cấp tỉnh cơ bản quyết được ngân sách, quyết cả chính sách của địa phương, còn cấp xã là cấp thực hiện. Như vậy, cấp huyện chỉ là cấp trung gian truyền tải các quyết sách của tỉnh xuống xã. Vì là cấp trung gian nên cấp huyện không có vai trò và không quyết định được các vấn đề về phát triển kinh tế, xã hội.

Trong khi đó, thêm cấp trung gian (cấp huyện) là thêm bộ máy, thêm con người, thêm tổ chức, thêm lực cản cho sự phát triển và tiêu tốn thêm ngân sách. Việc duy trì cấp trung gian (cấp huyện) cũng khiến cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách từ Trung ương, cấp tỉnh tới cơ sở có độ trễ, tạo lực cản trong quá trình phát triển. Vì vậy, bỏ cấp trung gian sẽ tạo ra sự thông suốt từ cấp tỉnh xuống thẳng trực tiếp tới cấp xã. Nếu còn cấp trung gian thì hiệu lực, hiệu quả sẽ bị hạn chế, chưa kể còn phát sinh ra tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, đùn đẩy, né tránh, thậm chí “rơi rụng” cả về ngân sách, tiền bạc. Nếu bỏ đi cấp trung gian đi sẽ giúp cho tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính từ trên xuống dưới tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý là khi bỏ cấp trung gian thì cấp tỉnh sẽ chỉ đạo trực tiếp cấp xã, rõ ràng đội ngũ cấp cơ sở cần phải được tăng cường, cũng như thêm các điều kiện, kinh phí, cơ sở vật chất để cấp xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng”, cho nên việc nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh cũng cần khẩn trương theo tinh thần đó. Điều này chúng ta đã có kinh nghiệm thực hiện, cũng được nhân dân, dư luận ủng hộ. Hơn nữa, tổ chức lại các đơn vị hành chính cũng có nghiên cứu từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới đặt ra. Vấn đề bây giờ là triển khai thế nào cho phù hợp với quyết tâm chính trị cao nhất.

Cảm ơn ông.