Chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư tuyến đường sắt 8,3 tỷ USD

Sáng ngày 19/2, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,19% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tỷ lệ tán thành cao.

Dự án sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 2/2025, sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án. Trong quý III/2025, sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, xây lắp. Cuối năm 2025 sẽ khởi công dự án và cơ bản hoàn thành vào năm 2030.

Quốc hội 'chốt' mốc dự án 8,3 tỷ USD, 5 năm nữa sẽ có tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên nối Trung Quốc- Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo đó, về phạm vi đầu tư, điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Dự án đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Về quy mô, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại. Hình thức đầu tư dự án án là đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (8,369 tỷ USD).

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Quốc hội  cũng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án...

Báo SGGP dẫn thông tin từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến không tán thành với quy định tại Khoản 19 Điều 3 dự thảo nghị quyết về việc miễn, giảm nhẹ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xảy ra tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, và lãng phí do sẽ phá vỡ các nguyên tắc, quy định của pháp luật và không thống nhất, công bằng đối với các cán bộ, công chức thực hiện các dự án tương tự. Có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên cần quy định cụ thể các trường hợp áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội. Đối với trường hợp cần có quy định này để bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định mang tính phổ quát chung và báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, không quy định nội dung này tại dự thảo nghị quyết.

Cân nhắc việc kết nối giữa ga với các đường hiện có

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ, về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu, bảo đảm việc kết nối của Dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác, giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ cho Dự án.

Đồng thời, cân nhắc việc kết nối các ga khi tuyến đường sắt chạy song song với cao tốc, bảo đảm liên kết giao thông địa phương.

Phát biểu thảo luận ở hội trường hôm 15/2, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, dự án đường sắt không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là đòn bẩy để chuyển giao công nghệ và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, do đó, cần ưu tiên đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước trong ba lĩnh vực: xây dựng hạ tầng (đường, cầu, hầm), sản xuất đường ray và đóng toa xe.

Đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định năng lực đáp ứng nếu được Nhà nước đặt hàng. Việc này có thể tốn kém hơn mua hàng nước ngoài, nhưng sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và GDP trong nước. Ngược lại, mua hàng nước ngoài sẽ không mang lại lợi ích này và không giúp chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt.

Quốc hội 'chốt' mốc dự án 8,3 tỷ USD, 5 năm nữa sẽ có tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên nối Trung Quốc- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu hôm 15/2 - Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Về phương án tuyến đường sắt chạy song song và bám sát đường bộ cao tốc Nội Bài - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng, cho ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là quyết định hợp lý, tuy nhiên việc tuyến đường sắt bám sát vào đường cao tốc sẽ làm hạn chế việc bố trí các ga và kết nối với mạng lưới giao thông tại các địa phương.

Do vậy, đại biểu Tiến đề nghị quan tâm tới việc kết nối giữa ga với các đường hiện có và các tuyến đường có trong quy hoạch của từng địa phương. Cùng với đó, về công trình ga, đại biểu cũng đề nghị rà soát vị trí và quy định chức năng ga để đảm bảo phù hợp với quy hoạch các địa phương có đường sắt chạy qua về sự kết nối giao thông cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Còn đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai kiến nghị cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 ngày 26/11/2024 trước ngày Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025.