Theo kết quả khảo sát chất lượng lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình tại 2.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho thấy trong số 7.256 lựa chọn của doanh nghiệp đang thực hiện một số chính sách về lao động chỉ có 1.285 lựa chọn áp dụng chính sách tiền thưởng Tết Dương lịch (chiếm tỉ lệ 17,71%).

Về chính sách thưởng Tết Nguyên đán của doanh nghiệp thì có 1.825 lựa chọn áp dụng (chiếm tỉ lệ 25,15%).

Chính sách thưởng các ngày lễ lớn trong năm có 1.248 lựa chọn áp dụng (17,20%); nghỉ dưỡng sức có 1.050 lựa chọn áp dụng (14,47%); khám sức khỏe có 1.095 lựa chọn áp dụng (15,09%); đào tạo cho người lao động có 753 lựa chọn áp dụng (10,38%).

Bàn về vấn đề thưởng Tết cho người lao động, theo Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và cộng sự, thưởng Tết hay thưởng lương tháng 13… vào dịp cuối năm là kỳ vọng của người lao động sau một năm làm việc, cống hiến cho đơn vị, doanh nghiệp. 

Ở Việt Nam, thưởng Tết từ lâu đã được người lao động xem như khoản phúc lợi "đương nhiên" và là chính sách lao động được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thu hút, giữ chân lao động.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành không có khái niệm về thưởng Tết, thưởng lương tháng 13… mà chỉ có khái niệm chung về "thưởng" và đây không phải là khoản doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện.

Cụ thể, theo Điều 104 Bộ Luật Lao động quy định về thưởng của người lao động như sau:

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Vì vậy, người lao động sẽ được thưởng Tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy chế thưởng của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể…, đồng thời phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động. Nếu doanh nghiệp kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc được giao thì khả năng cao là không có thưởng.

Về tạm ứng lương, theo quy định của pháp luật, người lao động có quyền yêu cầu được ứng trước tiền lương trong các trường hợp cấp bách, cần thiết. 

Có 5 trường hợp người lao động được tạm ứng tiền lương là; Hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán, theo khối lượng công việc. Nếu người lao động làm việc hưởng lương theo sản phẩm hoặc theo khoán và công việc phải làm trong nhiều tháng thì sẽ được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc mà mình đã hoàn thành trong tháng đó; Theo thỏa thuận: Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi được quy định tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019; Tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên: Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng; Nghỉ hằng năm: Theo khoản 3 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ; Bị tạm đình chỉ công việc: Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Đồng thời, Luật sư Trần Hữu Tín nhấn mạnh thêm, việc người lao động đòi quyền lợi phải theo quy định pháp luật và có căn cứ cụ thể. Việc đòi quyền lợi theo cách không phù hợp không chỉ không mang mại kết quả mong muốn, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đến đời sống, việc làm của chính người lao động./.