Tháo gỡ khó khăn, hạn chế vào năm 2025

Chiều 26/12, tại Tp.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ đã tổ chức hội nghị sơ kết về việc triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2024.

Theo báo cáo, trong năm 2024, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, bao gồm Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Phước đã đón gần 74 triệu lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hơn 67 triệu lượt khách là khách nội địa và hơn 6,7 triệu lượt khách quốc tế.

Du lịch Đông Nam bộ chưa có chính sách kích cầu đủ mạnh để thu hút khách- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Theo Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, ngành du lịch tại các địa phương trong khu vực này đã có nhiều bước chuyển biến và đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Trong năm 2024, các tỉnh Đông Nam bộ đã đón hơn 73 triệu lượt khách, bao gồm hơn 67 triệu lượt khách nội địa và gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 215.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những thành công đạt được, việc triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam bộ trong năm 2024 vẫn gặp một số hạn chế cần khắc phục.

Đặc biệt, một số dự án du lịch trọng điểm của các địa phương còn chậm tiến độ do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính sách đất đai và thiếu sót trong các quy định pháp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch khu vực.

Du lịch Đông Nam bộ chưa có chính sách kích cầu đủ mạnh để thu hút khách- Ảnh 2.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai , Lê Thị Ngọc Loan phát biểu tại hội nghị.

Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ chưa có chính sách giá kích cầu và khuyến mãi đủ mạnh để thu hút các công ty du lịch triển khai các tour trọn gói hấp dẫn. Mặc dù sản phẩm du lịch được cải thiện, nhưng khu vực này thiếu các khu phức hợp giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm hiện đại quy mô quốc tế.

Liên kết xây dựng tour du lịch giữa các địa phương còn hạn chế, sản phẩm du lịch chung của vùng chưa rõ ràng.

Các lãnh đạo tỉnh, thành thống nhất sẽ triển khai các hoạt động liên kết hiệu quả hơn vào năm 2025, mở rộng ra các vùng khác nhằm khai thác các sản phẩm đặc thù, đa dạng loại hình du lịch và tăng tính cạnh tranh.

Đồng thời, các khó khăn vướng mắc trong các dự án du lịch sẽ được tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư và phát triển. Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Nam bộ cũng ký kết thỏa thuận phát triển du lịch xanh, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm ít phát thải carbon.

Du lịch Đông Nam bộ chưa có chính sách kích cầu đủ mạnh để thu hút khách- Ảnh 3.

Đại biểu trải nghiệm không gian du lịch thực tế ảo tại hội nghị chiều 26/12.

Phát triển du lịch xanh, quản lý du lịch bằng ứng dụng công nghệ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM - ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, các tài nguyên nổi bật như Rừng ngập mặn Cần Giờ và Vườn quốc gia Nam Cát Tiên không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn có giá trị sinh thái quan trọng, cần khai thác một cách bền vững.

Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Văn Dũng đề xuất phát triển du lịch dựa trên hạ tầng xanh, điểm đến sạch, ứng dụng công nghệ trong quản lý và trải nghiệm du lịch, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, cũng như xây dựng các tiêu chuẩn du lịch xanh đồng bộ.

Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - ông Nguyễn Sơn Hùng cho biết, du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh và Đồng Nai luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Du lịch Đông Nam bộ chưa có chính sách kích cầu đủ mạnh để thu hút khách- Ảnh 4.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đông Nam bộ tham quan bản đồ tương tác thông minh, số hóa 360 các điểm du lịch tại hội nghị chiều 26/12.

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai thông tin, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong du lịch, như thực tế ảo và các ứng dụng du lịch trên thiết bị di động.

Tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Cơ hội mới huy động các nguồn lực cho du lịchDu lịch "đánh thức" bản làng hẻo lánh của đồng bào Xê Đăng

Năm 2024, tỉnh Đồng Nai đón khoảng 3,4 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 2.400 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025, tỉnh Đồng Nai sẽ đón 4,2 triệu lượt khách nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch.

Tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai 17 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng và phát triển 5 vùng du lịch chính, bao gồm du lịch sông Đồng Nai, du lịch vui chơi mua sắm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa hành hương và du lịch hồ Trị An.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn các nhà đầu tư đến với tỉnh Đồng Nai để đầu tư, trải nghiệm, tham quan nghỉ dưỡng, nông nghiệp, hưởng thụ không khí trong lành với hệ sinh thái rừng, sông, suối, hồ cùng các giá trị di sản phong phú.

Anh Trọng