Những ai đã gửi về Việt Nam tới 4 tỷ USD/ năm?- Ảnh 1.

Đây là những lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) diễn ra vào sáng 27/12, Bộ này thông tin rằng hiện có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định và gửi về nước lượng kiều hối lớn, với khoảng 3,5 – 4 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, một số địa phương cũng đã tổ chức những hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước để hòa nhập vào thị trường lao động trong nước; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong năm 2024, có khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 120% kế hoạch. Tính chung trong 4 năm từ 2021 – 2024, có gần 500.000 người Việt đi làm việc ở nước ngoài.

Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 11/2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là 12.520 lao động, bao gồm các thị trường như: Nhật Bản (6.466 lao động), Đài Loan (Trung Quốc) với 4.738 lao động, Hàn Quốc (396 lao động), Trung Quốc (205 lao động), Singapore (139 lao động), Rumani (89 lao động)…

Mở rộng thị trường có thu nhập cao cho lao động Việt Nam

Những ai đã gửi về Việt Nam tới 4 tỷ USD/ năm?- Ảnh 2.

Hiện nay, lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định và gửi về nước lượng kiều hối lớn, với khoảng 3,5 – 4 tỷ USD/năm. Ảnh minh họa

Theo kế hoạch năm 2025 với lĩnh vực xuất khẩu lao động, Bộ LĐ-TB&XH thông tin rằng, sẽ tiếp tục duy trì những thị trường lao động ngoài nước truyền thống. Ngoài ra, Bộ sẽ phát triển và mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ cũng như kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng sẽ được hướng dẫn nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lao động và thực hiện tốt công tác bồi dưỡng về kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi làm việc tại nước ngoài; đảm bảo tất cả người lao động được giáo dục định hướng theo quy định về phong tục, tập quán và pháp luật có liên quan của quốc gia tiếp nhận lao động.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam; đồng thời đảm bảo hài hòa việc cung ứng lao động chất lượng cao nước ngoài vào làm việc, hỗ trợ cũng như thúc đẩy chất lượng lao động trong nước.

Vẫn thiếu hụt lao động trong nước

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển. Tuy nhiên, vẫn có sự thiếu hụt lao động nhẹ ở các địa bàn trọng yếu và nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đó, thông qua khảo sát nhanh của Bộ LĐ-TB&XH, có xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi họ không có phương án chuẩn bị sẵn về nguồn lao động.

Mặt khác, số lao động mà các doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông trong những ngành dệt may và lắp ráp điện tử.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, chất lượng cung lao động cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, khi chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến nay, có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trong khi đó, cả nước chỉ có 28,1% người lao động đã qua đào tạo, có bằng và chứng chỉ.