Phân loại nhằm đưa ra cơ chế quản lý khác nhau

Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tham gia góp ý kiến liên quan đến tài sản số, ĐBH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung quy định về "tính độc nhất hoặc có thể thay thế", bởi đây là tính chất quan trọng của tài sản số, ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch, định giá và sử dụng tài sản số.

"Tính độc nhất tạo ra sự khan hiếm và giá trị riêng biệt cho từng loại tài sản số, cho phép đại diện cho quyền sở hữu các vật phẩm hoặc tài sản duy nhất trong cả thế giới thực và kỹ thuật số. 

Tính có thể thay thế cho phép dễ dàng trao đổi và sử dụng tài sản số như một đơn vị tiền tệ, tạo ra tính thanh khoản, thúc đẩy các giao dịch thương mại và là nền tảng cho các ứng dụng phi tài chính tập trung", bà Anh cho biết.

Đề nghị phân biệt rõ tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác- Ảnh 1.

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Ảnh: Media Quốc hội).

Nêu ý kiến liên quan quy định về tài sản số, ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng đây là điểm mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay mới đưa và dự thảo luật. 

Theo đại biểu, cần phân biệt rõ hơn 3 nhóm tài sản số gồm: tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác. Tuy nhiên tiêu chí để phân loại giữa 3 loại tài sản này có điểm chưa rõ, chưa hợp lý.

Cụ thể, đối với tài sản ảo, dự thảo lấy tiêu chí có thể dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư để phân biệt với các tài sản số khác là chưa thuyết phục và thực thi sẽ khó. 

Qua nghiên cứu tài liệu, đại biểu cho biết còn nhiều quan điểm khác nhau và rất phức tạp về kỹ thuật nhưng căn cứ với tài sản ảo là tài sản được tạo ra bởi các công nghệ kỹ thuật số và phải gắn với môi trường ảo cụ thể. 

Việc phân loại nhằm đưa ra cơ chế quản lý khác nhau, kể cả quá trình tạo ra cũng như giao dịch tài sản này.

Đối với tài sản mã hóa theo đại biểu, phổ biến trên thế giới, tài sản mã hóa gắn với công nghệ chuỗi khối Blockchain mà điển hình là Bitcoin, tocken bất động sản, NFT… Trên cơ sở những vấn đề đã phổ biến để khái quát về tiêu chí kỹ thuật để phân biệt 3 nhóm tài sản số, từ đó đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.

Tài sản số có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư 

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng cần xây dựng một khung pháp lý tài sản số quy định chi tiết các vấn đề cốt lõi, xác định ngay các nội dung phải thực hiện (quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp, quản lý rủi ro)....

Điều này, vừa đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế, đồng thời thiết lập cơ chế quản lý, giám sát, phòng ngừa rủi ro; làm rõ tài sản số có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư hay không; đề nghị làm rõ nội hàm, tiêu chí phân loại tài sản số.

Đề nghị phân biệt rõ tài sản ảo, tài sản mã hóa và các tài sản số khác- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (Ảnh: Media Quốc hội).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo dự thảo Luật, tài sản số đã được xác định là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành.

Quyền tài sản, quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, trách nhiệm, giải quyết tranh chấp, quản lý rủi ro… đã được điều chỉnh theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật về phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền và pháp luật có liên quan.

Do vậy, nhằm bảo đảm tính khả thi, linh hoạt và ổn định của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn một số nội dung cốt lõi trong quản lý Nhà nước về tài sản số. 

Cần khung pháp lý cho tài sản số

Cụ thể bao gồm việc tạo lập, phát hành, lưu trữ, lưu ký, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu tài sản số; quyền, nghĩa vụ của các bên đối với hoạt động có liên quan đến tài sản số; biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phòng, chống rửa tiền, khủng bố; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản số; điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản mã hoá; phát hành tài sản mã hoá;...).

Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, quản lý đối với tài sản số trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với điều kiện thực tiễn.