Chiều 22-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Quốc hội: Các gia đình có điều kiện không nhận hỗ trợ học phí, cần cơ chế cho trả lại- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phát biểu tại tổ. Ảnh: Minh Phúc

Thảo luận tại tổ TP HCM, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội, đánh giá đây là chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Ông nhấn mạnh dự thảo nghị quyết đã bao quát đối tượng được hưởng chính sách, từ công lập đến trường dân lập, tư thục. Theo quan điểm của ông Đức, việc chính sách bao quát đối tượng là rất tốt, tuy nhiên trên thực tế sẽ có những gia đình có con theo học trường dân lập, tư thục với điều kiện kinh tế tốt, họ rất cảm ơn chính sách của Nhà nước khi hỗ trợ học phí và mong muốn không nhận khoản hỗ trợ đó, hoặc được chuyển cho những trường hợp khác cần thiết hơn.

Từ vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng dự thảo nghị quyết cần thiết kế quy định để thực hiện việc này trên thực tế. Ông nhấn mạnh rằng các trường hợp đó họ đều đánh giá rất cao chính sách của Đảng và Nhà nước, song họ mong muốn số tiền hỗ trợ đó đến với những trường hợp thực sự cần hơn.

Đại biểu Quốc hội: Các gia đình có điều kiện không nhận hỗ trợ học phí, cần cơ chế cho trả lại- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi

Cùng quan tâm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết đây cũng là thực tế mà TP HCM đã triển khai khi thực hiện chính sách hỗ trợ COVID-19. Theo ông Phan Văn Mãi, khi đó, nhiều gia đình đã ghi nhận sự hỗ trợ của thành phố và muốn chuyển khoản hỗ trợ đó đến cho đối tượng khó khăn hơn.

Theo ông Phan Văn Mãi, đối với vấn đề miễn, hỗ trợ học phí, đối với những gia đình có thu nhập cao, có con học trường tư thục, có thể họ cũng muốn chuyển khoản hỗ trợ đó cho đối tượng phù hợp hơn. Vì vậy, cần nghiên cứu thiết kế quy định để vừa đảm bảo chính sách tiếp cận được tất cả các đối tượng, nhưng cũng có cơ chế để người học có thể không nhận khoản hỗ trợ, đó cũng là cách họ đóng góp cho công tác giáo dục nói chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) quan tâm đến vấn đề công bằng giữa học sinh trường công lập và ngoài công lập, giữa các mô hình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo đề xuất hiện nay, học sinh trường công lập sẽ được miễn toàn bộ học phí, trong khi học sinh tại các cơ sở ngoài công lập sẽ được hỗ trợ học phí, với phần kinh phí cấp trực tiếp cho người học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, học phí của trường ngoài công lập thường cao hơn rất nhiều so với trường công lập, do không nhận được đầu tư cơ sở vật chất và lương từ ngân sách Nhà nước.

Theo bà Nga, nếu không có quy định cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng một học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí cao hơn mức miễn học phí của học sinh trường công lập. Đây là điều cần đặc biệt lưu ý để tránh nghịch lý chính sách và đảm bảo công bằng trong tiếp cận nguồn lực ngân sách.

Vì vậy, bà đề nghị quy định rõ nguyên tắc mức tiền hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập không vượt quá mức học phí được miễn tại các cơ sở giáo dục công lập tương ứng về cấp học và địa bàn.

Đồng thời, để thực hiện tốt chính sách này, Nhà nước cần xây dựng và ban hành mức học phí chuẩn cho từng cấp học, từng năm học - làm căn cứ để tính toán mức miễn và mức hỗ trợ phù hợp, thống nhất giữa các loại hình trường và giữa các địa phương.