Ngày 20/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng cho biết, theo dự kiến trong Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Hội nghị hôm nay là hội nghị cuối cùng tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội bản chính thức. Nghị quyết được thông qua sẽ là một bước tiến quan trọng tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
"Khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Trung tâm tài chính, chúng tôi đã đưa nội dung vấn đề cũng như nội dung các dự thảo sang London (Anh), Luxembourg, Frankfurt (Đức) để tham vấn", Phó Thủ tướng cho hay.
Để xây dựng được trung tâm tài chính quốc tế, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng là hành lang pháp lý phải đạt được 3 yêu cầu. Đó là theo chuẩn mực quốc tế; thông thoáng, vượt trội, đủ hấp dẫn nhà đầu tư và kiểm soát được các rủi ro.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: VGP).
Đề cập đến vấn đề cụ thể về xây dựng Trung tâm tài chính tại Đà Nẵng, ông Richard McClellan - Đại sứ toàn cầu của Terne Holding khẳng định: Nếu Việt Nam muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có vị thế toàn cầu, chúng ta cần tư duy về trung tâm tài chính không phải như một khu vực địa lý riêng lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với Tp.HCM và ngược lại.
"Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm hoặc một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại 2 địa phương để tận dụng tốt các lợi của mỗi địa phương và hai bên cũng sẽ luôn bổ trợ, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển", ông Richard McClellan nói.
Dẫn chiếu kinh nghiệm, mô hình hoạt động về trung tâm tài chính quốc tế hiện đại ở một số nước, nhất là tại Dubai, ông Andreas Baumgartner - Tổng Giám đốc kiêm sáng lập The Metis Institune đưa ra khuyến nghị, Việt Nam có thể xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động tại cả 2 địa điểm là Đà Nẵng và Tp.HCM.
Theo ông, điều này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý thống nhất ở một trung tâm tài chính quốc tế nhưng cũng bảo đảm phát huy được lợi thế riêng biệt, sự độc lập trong hoạt động giữa 2 địa điểm của một trung tâm tài chính quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, định hướng, chủ trương sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Tp.HCM.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo.
"Trong xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý cho phát triển trung tâm tài chính quốc tế có sự tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp, thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế nhưng không phải là sự sao chép đơn thuần, sao chép cơ học, máy móc mà có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với đặc thù và điều kiện của Việt Nam", Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng cho biết trước mắt là Chính phủ sẽ tập trung bổ sung hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, hệ thống các nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành với các chính sách vượt trội, cởi mở, có nhiều ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, nhất là những ưu đãi về thuế quan; hạ tầng; xuất nhập cảnh, cư trú, lao động… đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.