Mới đây, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Định hướng phát triển không gian TP Đà Lạt và vùng phụ cận với 2 vùng Bắc - Nam. Phát triển theo mô hình đa trung tâm, với 2 đô thị trung tâm và 3 đô thị vệ tinh.

Trong đó, định hướng phát triển không gian đô thị gồm 9 phân khu, như khu đô thị trung tâm lịch sử, khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, khu nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khu du lịch sinh thái gắn với đa dạng sinh học, khu đô thị xanh, khu vực rừng tự nhiên…

Cụ thể, phạm vi ranh giới quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha, gần gấp 9 lần thành phố Đà Lạt hiện nay.

Thành phố rộng bằng một nửa Bắc Ninh đang bị quá tải, lập 5 đô thị vệ tinh “giải nén”- Ảnh 1.

Lâm Đồng quy hoạch 5 đô thị vệ tinh để giải nén cho TP Đà Lạt.

Quy hoạch nêu rõ nhiệm vụ bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; phát triển du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế; phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Đồng thời, quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển mới của TP Đà Lạt, đón đầu những dự án sắp tới mà Lâm Đồng đang triển khai như đường cao tốc, cảng hàng không; giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, không gian đô thị đang bị phá vỡ, đặc biệt là vùng lõi của Đà Lạt…

Trước nguy cơ quá tải về mật độ nhà ở, dân cư và du khách, dẫn đến phá vỡ cảnh quan kiến trúc TP Đà Lạt, Lâm Đồng quy hoạch 5 đô thị vệ tinh để giải nén cho thành phố này; giữ cho vùng lõi Đà Lạt không bị "biến dạng" trước làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ từ bất động sản du lịch và nhập cư.

Đà Lạt là thành phố du lịch

Quy hoạch gắn với lộ trình chuyển đổi huyện Đức Trọng thành thị xã. Trong tương lai, Đức Trọng là đô thị chia sẻ rất nhiều chức năng cho Đà Lạt kể cả về thương mại, dịch vụ, vấn đề nhà ở, đất ở cho người dân.

Vệ tinh quan trọng khác nằm ở hướng đông, bắc, nơi còn quỹ đất và mảng xanh lớn, bao gồm các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành (Đà Lạt) và một phần huyện Lạc Dương.

Thời hạn quy hoạch đến năm 2045, trong đó giai đoạn ngắn hạn đến năm 2035. Quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 1,1 đến 1,15 triệu người; đến năm 2045 khoảng 1,9 đến 1,95 triệu người.

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc Tây Nguyên. Đây cũng là đô thị loại 1, diện tích 391,15 km2, bằng một nửa tỉnh Bắc Ninh (822,7km2).

Đây là thành phố du lịch. Sáu tháng đầu năm 2024, TP Đà Lạt đón hơn 5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,2% kế hoạch.

Thành phố rộng bằng một nửa Bắc Ninh đang bị quá tải, lập 5 đô thị vệ tinh “giải nén”- Ảnh 2.

Sáu tháng đầu năm 2024, TP Đà Lạt đón hơn 5 triệu lượt du khách.

Trong đó, khách quốc tế hơn 300 nghìn lượt, tăng 32,6% so cùng kỳ năm 2023, đạt 54,7% kế hoạch; khách qua lưu trú hơn 3,6 triệu lượt, tăng gần 15%, đạt 48,1% kế hoạch.

Còn năm 2023, tổng số lượt khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng tại TP Đà Lạt đạt 6.697.300 lượt, tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 104,6% so với kế hoạch năm 2023.

Trong đó, số lượng du khách qua lưu trú đạt khoảng 5 triệu lượt, tăng 25,16% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 111% so với kế hoạch năm 2023.

Năm 2023, lượng khách quốc tế đặc biệt là khách Hàn Quốc đến Đà Lạt tăng cao, ước đạt 360.000 lượt, tăng 166,7% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 102,9% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, có 342.000 lượt khách lưu trú tại Đà Lạt.

Ngoài ra, khách du lịch nội địa cũng đóng góp một phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành du lịch Đà Lạt. Số lượng khách nội địa năm 2023 ước đạt 6.337.300 lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 103% kế hoạch.