Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân ủng hộ tăng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, rượu, nhưng riêng với mặt hàng bia ông đề nghị cân nhắc.

"Muốn tăng thuế suất với mặt hàng bia phải cân nhắc hài hòa giữa việc tăng thu và mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như sự ảnh hưởng của thuế suất đến ngành sản xuất và người lao động", ông Ngân nhận định.

Ông Ngân phân tích, thời gian vừa qua những ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống chịu áp lực rất lớn, đặc biệt những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19. Lượng khách quốc tế và trong nước sau dịch sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực thương mại dịch vụ ăn uống, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn.

Vì lý do trên, ông Ngân đề nghị có lộ trình tăng thuế một cách phù hợp với bia, tránh tạo cú sốc. Ông đề xuất giữ nguyên thuế suất 65% đến năm 2027, sau đó tăng khoảng 10% mỗi năm, để doanh nghiệp có thể tự tái cơ cấu, ổn định việc làm.

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đồng tình với việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia gây hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

"Tuy nhiên, xét về nhiều mặt thì khi tăng thuế xuất đối với mặt hàng nào cũng cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới"- bà Ánh nhìn nhận.

Theo vị đại biểu đoàn TP Hà Nội, nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, việc giảm sản lượng quá nhanh tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động, số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), lộ trình tăng thuế suất cần phải được tính toán hợp lý. Theo ông Thắng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu là cần thiết nhưng phải tính 2 vấn đề. Đầu tiên là mức thuế hợp lý. Thứ hai là thời điểm đánh thuế nên lùi lại để ngành hàng rượu, bia có thời gian chuẩn bị, tái cơ cấu.

"Theo báo cáo của CIEM, có hơn 20 ngành là đầu vào để sản xuất ra 1 chai bia. Cho nên phải cân đối giữa mục đích giảm tiêu thụ bia với việc làm, an sinh xã hội và thu ngân sách nhà nước. Nếu quyết tăng thuế vào năm 2026 sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về việc làm, thu ngân sách và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư", ông Thắng cho biết.

Trong bối cảnh đó, ông Thắng đề nghị đề nghị cân nhắc giãn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.

Dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Theo đó, 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra đối với mặt hàng bia, rượu.

Phương án 1, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.

Phương án 2, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030.