Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 1.

Mỹ công bố thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam, thuộc nhóm cao nhất. Ông có nhận định gì về thông tin này?

PGS. TS Trần Đình Thiên : Việc chính quyền Trump áp thuế không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn tác động đến toàn thế giới. Đây là cú sốc mạnh, gây xáo trộn thị trường toàn cầu. Nếu xét về mức thuế công bố, Việt Nam thuộc nhóm cao nhất, lên đến 46%.

Tuy nhiên, cần bình tĩnh xem xét hai vấn đề. Thứ nhất, mức thuế đối ứng 46% thực sự có ý nghĩa gì? Nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng khi phân tích cơ cấu, có thể câu chuyện không quá sốc như tưởng tượng.

Thứ hai, cần đánh giá tác động toàn cầu của mức thuế này. Ban đầu, mức thuế có thể gây chấn động, nhưng phản ứng và quá trình đàm phán sau đó sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng thực sự. Mức thuế 46% thực chất là khoản thuế bổ sung, không đồng nhất cho tất cả hàng hóa.

Cụ thể, mức thuế đối ứng này áp dụng với hàng hóa bị cho là gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế Mỹ hoặc có dấu hiệu bán phá giá, hay hàng điện tử xuất từ Việt Nam có linh kiện, thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc. Các ngành thép, nhôm, năng lượng tái tạo (như pin mặt trời) và dệt may có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc cũng chịu tác động. Vì vậy, cần làm rõ rằng mức thuế này không áp dụng cho toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ, tránh tâm lý hoang mang.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 2.

Quan trọng hơn, đây là mức thuế đối ứng, tức có thể thay đổi tùy vào cách Việt Nam phản ứng. Hiện tại, Việt Nam đã có những động thái đầu tiên như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ để làm dịu tình hình và sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai.

Ngoài ra, phản ứng từ các nước khác cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng dây chuyền, có thể có lợi hoặc bất lợi. Do đó, Việt Nam cũng phải tính toán để có ứng xử phù hợp, không nên đánh đồng hay hoảng loạn theo kiểu bầy đàn, tạo ra cú sốc không cần thiết.

TS. Lê Duy Bình : Mức thuế này nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Mặc dù chúng ta biết sẽ bị áp thuế, nhưng mức này khá cao với nền kinh tế Việt Nam. Mức thuế này dựa trên mối tương quan giữa thâm hụt thương mại và tổng quy mô xuất nhập khẩu của một nền kinh tế với Mỹ.Qua mức thuế này, ông Trump và chính quyền hiện tại đã gửi một thông điệp rõ ràng đến các nền kinh tế rằng ông muốn giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế khác xuống mức thấp hơn.

Rõ ràng đây là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là với nhiều doanh nghiệp và ngành hàng, vì hàng hóa của chúng ta sẽ đắt đỏ hơn khi xuất khẩu vào Mỹ, tăng lên mấy chục phần trăm. Do đó, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ thấp hơn so với các nền kinh tế khác xuất khẩu cùng mặt hàng nhưng chịu mức thuế thấp hơn.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 3.

Mức thuế đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng ra sao đến dòng vốn FDI – động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam?

PGS. TS Trần Đình Thiên : Khi thế giới đang dịch chuyển, bình tĩnh nhận diện thì cũng có cơ hội bùng nổ. Cùng với đó, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến thuế nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, nhất là từ khu vực FDI, khu vực đóng góp lớn vào tăng trưởng. Vì vậy, tác động của thuế đến FDI, cũng như từng mặt hàng cụ thể, cần được đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.

Một tác động tiêu cực toàn cầu chắc chắn sẽ tạo ra những xoay chuyển. Kinh tế học là khoa học của sự đánh đổi, vì thế cần giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khả năng sẽ đi theo chiều hướng không mong muốn, do đó không nên chủ quan hay vội vàng đưa ra những hành động không phù hợp.

TS. Lê Duy Bình : Thứ nhất, với sắc thuế này, Tổng thống Trump muốn một số dòng vốn FDI quay lại Mỹ hoặc gần Mỹ hơn, nhưng không phải toàn bộ. Họ chỉ chọn những lĩnh vực Mỹ có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối hoặc khác biệt, một số ngành như sản xuất chip, ô tô. Nhiều dòng vốn khác sẽ có sự dịch chuyển và Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 4.

Thứ hai, một số bài toán kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng do sắc thuế đối với hàng hóa Việt Nam tăng. Tuy nhiên, sắc thuế này không vĩnh viễn mà phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Tổng thống Trump, không xuất phát từ môi trường kinh doanh và đầu tư Việt Nam. Do đó, Việt Nam vẫn có thể khẳng định lợi thế của mình để thu hút đầu tư FDI.

Tuy nhiên, sắc thuế này trong tương lai có thể giảm hoặc thay đổi, nhưng quan trọng nhất là Việt Nam cần duy trì sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Việt Nam có những lợi thế riêng như ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô vững chắc, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, cải cách thể chế được đẩy mạnh để giảm chi phí kinh doanh. Cùng với đó, nguồn nhân lực so với nhiều quốc gia vẫn tương đối dồi dào, chi phí còn thấp so với Mỹ, Brazil hoặc Mexico, tạo lợi thế cạnh tranh nhất định.

Do đó, trong bối cảnh này, điều quan trọng là nhận diện hạn chế và tác động của sắc thuế này để phát huy lợi thế, tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn và không thể ngay lập tức quay hết về Mỹ, vì vậy, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để thu hút nguồn vốn này, miễn là tiếp tục nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 5.

Sáng 3/4, tại cuộc họp về mức áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8%. Khi động lực tăng trưởng kinh tế - xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, chúng ta nên hành động thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP?

PGS. TS Trần Đình Thiên : Chúng ta phải tính toán kỹ lưỡng, không thể chỉ nghe qua rồi vội vàng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, làm như vậy sẽ rất phi lý. Theo dư luận quốc tế, không ai ngờ tình hình lại như thế này, nên càng bất ngờ thì càng không thể hoảng loạn hay vội vàng điều chỉnh.

Trong cuộc họp sáng 3/4, tôi cho rằng cách đặt vấn đề của Thủ tướng là hợp lý: cần bình tĩnh, tránh những phản ứng hoảng loạn không cần thiết. Việc chưa điều chỉnh là để giữ vững mục tiêu, đồng thời cần tiếp tục phân tích tình hình thực tế. Nếu thực tế vượt quá khả năng kiểm soát, chắc chắn sẽ có điều chỉnh thích hợp. Và tôi tin rằng trong nguy có cơ chứ không hẳn chỉ có nguy.

TS. Lê Duy Bình : Khi xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, chúng ta cần trông chờ vào những động lực tăng trưởng khác. Xuất khẩu vào Mỹ khoảng 120 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 29,5% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, sắc thuế này cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ nhưng không đồng nghĩa với việc xuất khẩu Việt Nam - Mỹ sẽ giảm rất thấp.

Chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có biện pháp thích nghi với tình hình, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách khác để tiếp tục duy trì mức xuất khẩu vào Mỹ ở mức độ vừa phải, có thể không như những năm trước nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì.

Thực tế, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh riêng, so sánh hoặc tuyệt đối, ví dụ như da giày hay thủy sản, những mặt hàng như nông lâm sản, rau quả nhiệt đới, một số mặt hàng khác như đồ gỗ cũng có lợi thế nhờ nhân công.

Từ đó, nếu khai thác tốt lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh thì chúng ta vẫn tiếp tục duy trì mức xuất khẩu vào Mỹ và tìm cách giảm thiểu thiệt hại thương mại. Đồng thời, chúng ta sẽ tìm cách xuất khẩu vào các thị trường khác như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản hoặc một số nền kinh tế ở châu Mỹ Latinh để duy trì tốc độ xuất khẩu cao hơn, tạo động lực tăng trưởng mạnh từ xuất khẩu.

Quan trọng hơn chúng ta phải nhìn vào các động lực khác của tăng trưởng GDP. Thứ nhất, đầu tư tư nhân phải được đẩy mạnh để bù đắp phần thiếu hụt của tổng cầu do xuất khẩu sang Mỹ giảm. Thứ hai, đầu tư tư nhân được đẩy mạnh. Thứ ba, tiêu dùng trong nước cũng phải được chú trọng. Cuối cùng, đầu tư công cũng cần được thúc đẩy mạnh hơn.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 6.

Tất cả những điểm này cho thấy, dù xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi sắc thuế 46% từ Mỹ, Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng khác trong tổng cầu như đầu tư tư nhân, thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư công thì sẽ bù đắp được ảnh hưởng không mong muốn.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 7.

Như PSG. TS Trần Đình Thiên chia sẻ, trong nguy luôn có cơ, vậy cơ hội của chúng ta trước sắc lệnh này của chính quyền Tổng thống Donald Trump là gì?

PSG. TS Trần Đình Thiên : Về ngắn hạn, chắc chắn thị trường và dòng tiền toàn cầu sẽ có sự thay đổi, và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến tích cực của đầu tư toàn cầu, mở ra thêm nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, điều này cũng buộc chúng ta phải dịch chuyển cấu trúc thị trường, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất để giảm thiểu rủi ro. Như vậy, thách thức lớn từ thuế đối ứng 46% sẽ tạo ra cơ hội, tạo ra áp lực để chúng ta điều chỉnh và phát triển theo hướng phù hợp với tình hình mới.

Trong dài hạn, mức thuế đối ứng 46% góp phần làm dịch chuyển cấu trúc phát triển của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất nhập khẩu cần phải điều chỉnh, thúc đẩy khu vực tư nhân Việt Nam trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Mỹ áp thuế đối ứng 46%, Việt Nam vẫn quyết GDP tăng 8%, chuyên gia chỉ 3 chìa khóa vàng để đạt mục tiêu- Ảnh 8.

Sắc thuế này chính thức có hiệu lực từ 9/4, tức Việt Nam có thêm 7 ngày để đàm phán lại, chúng ta cần lưu ý gì trong khoảng thời gian này?

TS. Lê Duy Bình : Chúng ta phải bình tĩnh, thận trọng xem xét tình hình. Quyết sách của chính quyền Trump có thể được đưa ra bất ngờ nhưng cũng có thể thu hẹp bất ngờ, tùy thuộc vào đàm phán và tình hình thực tế. Hiện nay, điều quan trọng là nền kinh tế vẫn dựa trên nền tảng vững chắc về kinh tế vĩ mô.

Hiện nay, các chỉ số cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, tiềm năng tăng trưởng vẫn có. Động lực như đầu tư công được duy trì tốt, niềm tin của nhà đầu tư trong nước vẫn vững, đầu tư tư nhân trong những tháng đầu năm ổn định. Điều này cho thấy đầu tư vẫn duy trì ở mức độ nhất định.

Vì vậy, chúng ta có đủ yếu tố để tự tin hơn, không nên hoảng loạn mà cần bình tĩnh vượt qua khó khăn, thay vì vội vã rút lui khỏi thị trường chứng khoán hoặc. Điều đó chỉ khiến tình hình xấu hơn chứ không giúp cải thiện.