Hôm nay 1/7, một cột mốc mới sẽ được ghi dấu trong lịch sử phát triển của Hải Phòng: Trung tâm Hành chính – Chính trị mới chính thức vận hành tại đô thị Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên. Từ một vùng ven đô, Thủy Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm hành chính mới – nền móng cho mục tiêu hình thành siêu đô thị Hải Phòng sau khi sáp nhập với Hải Dương.

“Trái tim hành chính” chính thức vận hành

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, với tên gọi giữ nguyên là TP Hải Phòng. Trụ sở hành chính sau hợp nhất sẽ đặt tại Trung tâm Chính trị – Hành chính mới được xây dựng tại TP Hải Phòng.

Công trình trọng điểm này tọa lạc tại khu đô thị Bắc sông Cấm, được khởi công vào ngày 7/1/2023 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 2.800 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 13,63 ha, bao gồm 14 khối nhà bố trí đối xứng theo hai trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Cấu trúc công trình gồm 4 khối nhà cao 3 tầng, 4 khối 4 tầng, 4 khối 5 tầng và 2 khối nhà cao 15 tầng.

Khởi động “trái tim hành chính” 2.800 tỷ đồng của Hải Phòng từ hôm nay, vươn tới siêu đô thị tương lai- Ảnh 1.

Toàn cảnh Trung tâm Chính trị – Hành chính mới được xây dựng tại TP Hải Phòng. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Ngay bên cạnh Trung tâm Chính trị – Hành chính là Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn TP Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, cũng đang được hoàn thiện cơ bản. Sức chứa của hội trường lên tới 1.500 chỗ ngồi, quy mô 3 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn gần 50.000m2. Các tòa nhà đều được thiết kế tường ngoài bằng kính mang vẻ hiện đại.

Khởi động “trái tim hành chính” 2.800 tỷ đồng của Hải Phòng từ hôm nay, vươn tới siêu đô thị tương lai- Ảnh 2.

Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn nằm ngay sau Trung tâm Chính trị – Hành chính. Ảnh: VTC News

Từ hôm nay, Trung tâm Chính trị - Hành chính là trụ sở của tất cả các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội thành phố (trừ các lực lượng vũ trang). Ước tính có khoảng 2.600 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Hải Dương cũ di chuyển tới đây làm việc.

Khu đô thị Bắc sông Cấm cùng với Trung tâm Hành chính - Chính trị TP Hải Phòng được kỳ vọng sẽ là một đô thị hiện đại, năng động, thịnh vượng bậc nhất phía Bắc, là biểu tượng của sự phát triển, mở rộng quy mô thành phố trong thời kỳ mới, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.

Vị trí của Trung tâm Hành chính – Chính trị mới có ý nghĩa gì?

Việc lựa chọn địa điểm xây dựng tại địa bàn Thủy Nguyên không chỉ mang ý nghĩa địa lý trung tâm mà còn tạo lợi thế chiến lược. Về phía Đông, khu vực này tiếp giáp với các đô thị hiện hữu của Hải Phòng, có khả năng khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng đô thị và các khu công nghiệp lớn.

Phía Tây nối trực tiếp với Hải Dương, đảm bảo sự gắn kết giữa hai vùng hành chính cũ. Phía Bắc tiếp giáp Quảng Ninh – một trong những trung tâm kinh tế chủ lực của miền Bắc, mở ra khả năng hợp tác và phát triển vùng. Phía Nam nằm gần lõi đô thị cũ của Hải Phòng, giữ kết nối thuận lợi với hệ thống cảng biển nhưng đồng thời giúp giảm tải áp lực đô thị hóa quá mức.

Khởi động “trái tim hành chính” 2.800 tỷ đồng của Hải Phòng từ hôm nay, vươn tới siêu đô thị tương lai- Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định, việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng sẽ cộng hưởng lợi thế, tạo ra cực tăng trưởng mới của đất nước. Ảnh: VTC News

Bên cạnh đó, Thủy Nguyên đã sở hữu nền tảng hạ tầng giao thông và đô thị hiện đại, đủ năng lực đảm đương vai trò trung tâm hành chính – chính trị mới trong ít nhất 50 năm tới.

Là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Hải Phòng với hệ thống khu công nghiệp quy mô lớn, Thủy Nguyên được định hướng phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, đóng vai trò điều phối kinh tế toàn vùng sau khi sáp nhập hoàn tất.

Từ phía Hải Dương, loạt công trình hạ tầng đang được tăng tốc triển khai nhằm tạo liên kết xuyên tỉnh: tuyến đường nối Quốc lộ 17B với cầu Dinh (3,1km), tuyến đường 7,2km nối Quốc lộ 17B đến tỉnh lộ 352 đi qua đê sông Kinh Thầy – ranh giới tự nhiên giữa hai địa phương.

Đặc biệt, cầu vượt sông Kinh Thầy – biểu tượng kết nối Hải Dương và Hải Phòng – đã được khởi công. Khi hoàn thành, toàn bộ hành lang giao thông giữa các đô thị vệ tinh sẽ thông suốt, tạo động lực tăng trưởng đột phá cả về kinh tế lẫn xã hội.

Sau khi sáp nhập, Hải Phòng trở thành một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương có sự thay đổi lớn về địa giới. Dù có diện tích nhỏ nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập (3.194,7km²), Hải Phòng lại sở hữu vị thế chiến lược – cửa ngõ ra biển của vùng đồng bằng Bắc Bộ, trung tâm công nghiệp và logistics của quốc gia.

Với sự cộng hưởng từ Hải Dương – nơi đang phát triển nhanh về công nghiệp và kết nối vùng, Hải Phòng mới sẽ trở thành một siêu đô thị hội tụ đầy đủ yếu tố: hành chính – cảng biển – công nghiệp – du lịch – dịch vụ.