Ngày 4/2, tại phiên họp thứ hai của Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam - PVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).

EVN, PVN và các cơ quan được yêu cầu ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống. Trên cơ sở này, chủ đầu tư xác định quy mô, công suất, tổng mức đầu tư nhà máy. Sau đó, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định.

 Loạt dự án năng lượng lớn mang dấu ấn của EVN, PVN 

EVN và PVN được biết đến là 2 tập đoàn Nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong các ngành quan trọng như dầu khí, điện của nước ta. Trước khi được giao làm chủ đầu tư cho 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, các tập đoàn này cũng đã ghi dấu ấn bởi nhiều nhiều dự án đầu tư xây dựng lớn.

Giao EVN, PVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân: Trăn trở về nguồn vốn đầu tư- Ảnh 1.

EVN đã hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối với thời gian trong vòng 6 tháng.

Thời điểm năm 2009, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từng được giao EVN làm chủ đầu tư và đã hợp tác với phía Nga (dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Trước thời điểm dừng đầu tư dự án (11/2016), EVN cũng đã hoàn thành và trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.

Năm 2024, EVN ghi dấu ấn lớn khi hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao. Hay 5/5 dự án nguồn điện đang thi công đều đạt và vượt tiến độ kế hoạch: Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, các nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Đối với các dự án lưới điện, EVN và các đơn vị khởi công 172 dự án lưới điện 110-500kV (đạt 123% kế hoạch), đóng điện 216 dự án lưới điện 110 - 500kV (đạt 100% kế hoạch). Tổng quy mô thực hiện khoảng 4.100km đường dây và khoảng 17.000 MVA trạm biến áp.

Tập đoàn này cũng đã đưa vào vận hành kịp thời nhiều dự án lưới điện bảo đảm cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và chuẩn bị cấp điện năm 2025. Giá trị giải ngân vốn đầu tư đạt 112.892 tỷ đồng, vượt kế hoạch 10,8%...

Giao EVN, PVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân: Trăn trở về nguồn vốn đầu tư- Ảnh 2.

PVN là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Nga, Mỹ, Saudi Arabia... trong sản xuất điện khí, hợp tác triển khai các dự án thăm dò.

Với PVN, Tập đoàn này dù chưa từng đảm nhận vai trò chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân nhưng cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư dự án điện. Từ năm 2001, tập đoàn này đã nghiên cứu đầu tư các dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.

Hiện, PVN và một số đơn vị thành viên đã và đang xây dựng hàng loạt dự án nhà máy điện than, thủy điện, điện khí LNG, năng lượng tái tạo... Đặc biệt, với thế mạnh cơ sở vật chất, công nghệ, nguồn vốn lớn, PVN cũng có nhiều lợi thế khi được giao làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Bên cạnh đó, trong hàng chục năm qua, PVN cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài như Nga, Mỹ, Saudi Arabia... trong sản xuất điện khí, hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…

Tuy nhiên, điện hạt nhân là lĩnh vực đòi hỏi trình độ về kỹ thuật và quản lý đặc biệt cao. Vì vậy sẽ đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam nói chung và 2 tập đoàn EVN, PVN nói riêng.

Lựa chọn đối tác quốc tế nào?

Chia sẻ với Người Đưa Tin, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết về mặt hợp tác quốc tế, trước tiên Việt Nam cần hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo đó, tổ chức này đã có sẵn các quy trình về quy hoạch, pháp luật, an toàn đến giám sát xây dựng lò và giám sát lò khi vận hành. Đây là các quy trình đã được các nước thành viên đồng ý và thống nhất.

Cụ thể, việc Việt Nam lựa chọn hợp tác với quốc gia nào lại phụ thuộc vào nguồn vốn mà quốc gia đó cho vay. Ví dụ, Nga sẽ làm nhà thầu nếu lò hạt nhân do Nga cho vay vốn. Trường hợp trong 2 nhà máy Ninh Thuận, một nhà máy của Nga cho vay thì đương nhiên Việt Nam sẽ hợp tác với Nga.

Giao EVN, PVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân: Trăn trở về nguồn vốn đầu tư- Ảnh 3.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho biết trước tiên Việt Nam cần hợp tác với IAEA.

Trường hợp nếu hợp tác Pháp thì Việt Nam vẫn phải hợp tác với Mỹ vì trong liên quan đến nhiều bản quyền của Mỹ. Về mặt quy tắc quốc tế, khi có trục trặc gì trong quá trình xây lò hạt nhân thì phải báo cho các nước mà họ sở hữu bản quyền. 

Ông Đình cũng cho rằng, tính đến việc xây nhanh có thể cân nhắc đến việc hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

"Với cái Ninh Thuận 1&2 thì chúng ta làm việc với 2 cái đối tác Nga và Nhật Bản vẫn là thuận lợi nhất về mặt thủ tục, không phải viết lại từ đầu", ông Đình nêu quan điểm.

Còn theo bà Tita Thy Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam, Nga được đánh giá là đối tác tốt vì đã từng hợp tác trong quá khứ. 

Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ những lo ngại về khả năng đáp ứng của Nga vì trên thực tế, vẫn tồn tại những bất ổn từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Nhật Bản và Pháp cũng được xem là các đối tác tiềm năng, với kinh nghiệm và công nghệ tốt, nhưng vấn đề tài chính có thể gặp khó khăn.

Giao EVN, PVN làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân: Trăn trở về nguồn vốn đầu tư- Ảnh 4.

Bà Tita Thy Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Thế giới Việt Nam.

Đồng thời, bà Tita Thy Nguyễn cũng đánh giá EVN và PVN hoàn toàn đủ năng lực kỹ thuật để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân.

“Kinh nghiệm quản lý và vận hành của EVN trong các dự án lớn trước đây, như đường dây 500kV Bắc - Nam, có thể được áp dụng vào dự án này”, bà nói.

Dù vậy, chuyên gia Đào Nhật Đình cho rằng không thể áp dụng mô hình triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 được vì đây là dự án Việt Nam tự chủ gần hết. Ngoài ra, Việt Nam chỉ nhập từ nước ngoài những hàng hóa thông thường như: thép, dây điện, biến áp… là những mặt hàng không yêu cầu gì về mặt bí quyết hay công nghệ.

Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chậm nhất năm 2031PVN, EVN được Thủ tướng giao làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân

“Giống như mình nhập thêm một triệu chai coca-cola thì rất dễ. Nhưng mình muốn nhập thêm một cái lõi của lò phản ứng thì không hề dễ, phải đàm phán rất lâu thì mới có đơn vị chịu sản xuất cho. Và sản xuất sẽ đúng bao nhiêu tháng xong chứ không có chuyện giục họ đẩy nhanh tiến độ ”, ông Đình lấy ví dụ.

Theo ông Đình, đó là sự khác biệt lớn nhất, tức là Việt Nam gần như tự chủ hoàn toàn trong việc triển khai dự án 500kV mạch 3. Còn điện hạt nhân là câu chuyện hoàn toàn khác, thậm chí sẽ không được đổ bê tông nếu chưa được duyệt nhà thầu phụ sản xuất bê tông, phụ thuộc ở nước ngoài rất nhiều.

Đặc biệt, vị chuyên gia cho rằng vấn đề đáng lo ngại nhất là vốn, đối tác ở đây cũng là vốn. Theo đó, hiện tại Việt Nam chỉ có vốn để chuẩn bị hạ tầng như tái định cư là dùng ngân sách dự phòng của năm 2025.

Năm 2024, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện khoảng 85.000 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, công suất này có thể đạt 150.000 MW vào 2030, và tăng lên 400.000-500.000 MW tới 2050.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và 2 chữ số từ 2026. Tức là nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Do đó, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.