Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến quy định không áp dụng quy định hồi tố, bất lợi với doanh nghiệp. Đây là quy định mang tính nguyên tắc đã có trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự...

Việc không áp dụng các quy định làm bất lợi hơn thì không chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà còn với tất cả các tổ chức, cá nhân. Do vậy, đại biểu nhận thấy đây không phải là chính sách đặc thù của Nghị quyết.

Đề xuất doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Media Quốc hội).

Liên quan đến kê biên, phong toả, tài sản, đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được áp dụng thí điểm Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đối với các vụ án thuộc diện Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo.

Đại biểu Thủy đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được áp dụng đối với Nghị quyết đặc thù về kinh tế tư nhân, vì trong đó có những biện pháp cho phép doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm vào để giải tỏa tài sản bị phong tỏa, tiếp tục đưa vào kinh doanh.

Đồng thời cho phép chủ sở hữu doanh nghiệp được được quản lý, sử dụng, khai thác tiếp tài sản đó và bảo đảm việc khai thác đúng quy định, thay vì hiện nay bị "đóng băng", không đưa được vào nền kinh tế.

Xây dựng đề án đảm bảo chống rửa tiền

Trong khi đó, góp ý về dự thảo Nghị quyết, liên quan đến nguyên tắc hoạt động thanh tra cấp phép, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị ghi rõ bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Bởi trong Nghị quyết 68 nêu rõ, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó chúng ta đang dần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

"Hiện khi đăng ký giấy phép kinh doanh có những mã ngành nghề chưa có. Nhiều doanh nghiệp rất vướng chưa thể triển khai được, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo", ông Huân cho biết.

Đề xuất doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Ảnh: Media Quốc hội).

Dự thảo Nghị quyết quy định xử lý nghiêm hành vi hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, đại biểu đề nghị làm rõ và bổ sung nghiêm cấm hành vi thúc đẩy kinh doanh độc quyền, ép buộc, thâu tóm doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc công nghệ đổi mới sáng tạo.

Dự thảo cũng quy định không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật, đại biểu Huân đề nghị bổ sung thêm không hồi tố các thủ tục vận hành thương mại, các dự án năng lượng tái tạo hưởng giá FIT trước ngày 31/12/2020. "Điều này sẽ lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư", ông Huân nói.

Cơ chế đặc biệt cho kinh tế tư nhân: Không áp dụng hồi tố để xử lý bất lợi cho DN

Về hỗ trợ tài chính - tín dụng, ông Huân đề nghị bổ sung thêm việc bãi bỏ các quy định hạn chế các doanh nghiệp tái cấu trúc các khoản vay, kể cả các khoản vay đã được hoãn nợ, giãn nợ.

Cùng với đó, ông đề nghị giao Chính phủ phân tích độ nhạy của lãi suất ngân hàng với tăng trưởng GDP và tăng trưởng kinh tế tư nhân. "Điều này rất quan trọng và cần xem xét để lãi suất phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Huân nhấn mạnh.

Về hỗ trợ hình thành phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn, đại biểu đề nghị giao Chính phủ xây dựng đề án đảm bảo chống rửa tiền, không thất thoát tài sản quốc gia.

Đề xuất doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa- Ảnh 3.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Ảnh: Media Quốc hội).

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo đã quy định 8 nhóm nguyên tắc cụ thể liên quan đến các quy định pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, xử lý vi phạm hành chính...

Trong đó có những quy định cụ thể quan điểm rất mới trong xử lý các vi phạm và giải quyết vụ việc để vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân văn, minh bạch, công bằng, hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để đảm bảo đồng bộ, đại biểu đề nghị sửa đổi kịp thời các luật có liên quan, trong đó có nhiều luật được xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

Về hỗ trợ đất đai, đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp.