Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch mới với một phiên giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ việc Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại và phục hồi trong phiên ngày Thứ ba khi Mỹ tuyên bố hoãn thực thi việc áp thuế đối với Canada và Mexico trong vòng 1 tháng. Thị trường tiếp tục tăng điểm trong 3 phiên cuối tuần giúp VN-Index chạm mốc 1.275 điểm.

Cổ phiếu "vua" giúp VN-Index giữ mốc 1.270 điểm

Độ rộng thị trường phục hồi khá tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, nổi bật là nhóm nguyên vật liệu, ngân hàng, công nghiệp trước những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh năm 2024.

Kết tuần, VN-Index tăng 10,15 điểm so với tuần trước, tương ứng 0,8% lên mức 1.275,2 điểm, HNX-Index tăng 6,48 điểm lên 229,49 điểm.

Điểm trừ là khối ngoại tiếp tục "xả" bán ròng 4.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 4.235 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 92 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 64 tỷ đồng trên UPCoM.

Trong đó, nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất mã MSN với giá trị 915 tỷ đồng. Hai mã VNM và FPT cũng bị đẩy bán ròng, lần lượt 677 tỷ đồng và 637 tỷ đồng.

Chứng khoán chưa hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự 1.280 điểm- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index trong 5 phiên gần đây (Nguồn: TradingView).

Nói về đà phục hồi tuần qua, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDirect nhận định, thị trường được hỗ trợ từ những thông tin tích cực trong nước, bao gồm việc Chính phủ dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6-6,5% lên 8% và nới chỉ tiêu lạm phát (CPI) lên mức 4,5-5%.

Đồng thời, số liệu vĩ mô tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/2 cho thấy khởi đầu khá tích cực của nền kinh tế trong năm 2025. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dài ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp (IIP) và vốn đầu tư công thực hiện vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ dù số ngày làm việc ít hơn.

"Có thể thấy rằng guồng quay tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay chứ không chậm chạp do có tâm lý nghĩ lễ như các năm trước. Bối cảnh hiện tại đang giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư nội", chuyên gia VNDirect đánh giá.

Bước sang tuần giao dịch tới, ông Hinh dự báo VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà VN-Index chưa thể vượt qua trong năm 2024.

Loạt công ty chứng khoán lỗ khi "cầm" cổ phiếu ngân hàng

Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, chuyên gia này cho rằng thị trường chứng khoán chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên.

Do đó, thị trường chứng khoán có thể đi ngang tích lũy và dòng tiền sẽ luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn.

Nhà đầu tư chứng khoán nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên những nhóm đang có thông tin hỗ trợ mạnh như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, xuất khẩu dệt may, thủy sản.

Xu hướng ngắn hạn, chuyên gia CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay.

Trong ngắn hạn, thị trường có tính chất đầu cơ hơn khi nhà đầu tư đang gia tăng giao dịch ở các mã chưa tăng nhiều, thanh khoản ở mức thấp.

Chuyên gia SHS cho rằng, vùng 1.280 - 1.300 điểm không phải là vùng giá hấp dẫn để xem xét gia tăng tỉ trọng. Nhà đầu tư chứng khoán ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, chọn lọc cẩn thận đối với các vị thế mua khi VN30, VN-Index hướng đến vùng kháng cự mạnh, xem xét đánh giá cơ cấu danh mục ngắn hạn.

Xu hướng trung hạn tiếp tục xu hướng tích lũy kéo dài từ 2024 đến nay trong vùng 1.200 điểm - 1.300 điểm. Ở thời điểm hiện tại, nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp.